CEO Lumi Việt Nam: Đi nhanh bằng smarthome

Cỡ chữ

Đăng lúc 14:22:26 ngày 16/10/2018 | Lượt xem 1011

 

(ĐTCK) Tôi gặp CEO Nguyễn Đức Tài tại trụ sở Công ty cổ phần Nhà thông minh Lumi Việt Nam (Lumi Việt Nam) trong một sáng tháng 8, chỉ ít lâu sau khi Công ty anh khai trương showroom mới, nơi các công nghệ nhà thông minh (smarthome) cơ bản nhất của doanh nghiệp được thể hiện, tại cơ hội trải nghiệm cho tất cả mọi người.

 

Khỏi nghiệp vì... Khổ

Sinh năm 1986 và là thành viên của đội Robocon Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2008, như nhiều người khác, cậu sinh viên có dáng người nhỏ bé Nguyễn Đức Tài cũng phải bươn trải để kiếm sống sau khi ra trường năm 2010.

Bắt đầu bằng việc làm nhân viên của một doanh nghiệp chuyên về tự động hóa thuộc các lĩnh vựa như cảng biển, xi măng, thủy điện, khai thác khoáng sản..., suốt gần 2 năm, anh liên tục di chuyển trong các chuyến công tác. Mỗi nhà máy, mỗi công trình lại làm dày thêm kinh nghiệm thực tiễn.

Khi được hỏi về lý do ra đời của Lumi Việt Nam, cười hiền, anh cho biết: "Ngày đó làm nhiều việc nhưng thu nhập thấp, lương chỉ được khoảng 4 - 4,5 triệu đồng/ tháng. Khổ quá nên tôi quyết định phải làm thứ gì đó cho riêng mình."

CEO Lumi chia sẻ về con đường lập nghiệp của mình

Lý do khởi nghiệp tôi đã nghe nhiều, nhưng vì... khổ quá mà khởi nghiệp thì là lần đầu. Qua đó, tôi thấy gần gũi thêm rất nhiều với vị CEO này, nhờ sự thật thà đến vậy của anh.

Bên cạnh đó, quãng thời gian làm lính cũng mang lại cho vị giám đốc trẻ không ít điều quý giá. Đó là cơ hội được làm việc đúng ngành nghề để tiếp tục tìm hiểu vấn đề mình yêu thích; là những lần được cầm tận tay những mẫu cảm ứng điện dung của một hãng sản xuất danh tiếng, rồi dần dà là những giải pháp về ngôi nhà thông minh từ châu Âu...

Anh nhận thấy, những công nghệ này đều gần gũi, thân quen với các sản phẩm mình làm và có khả năng sáng tạo thêm để có được những giải pháp cơ bản về ngôi nhà thông minh.

 

Nhà thông minh "Made in Việt Nam"

Điều gì đến cũng phải đến, Đức Tài cũng hai người bạn trong nhóm thi robocon ngày nào cũng quyết định khởi nghiệp bằng lĩnh vực mà cả ba có thế mạnh, đó là nhà thông minh.

Năm 2012, anh và các cộng sự chính thức thành lập Lumi Việt Nam với số vốn vay mượn chỉ chưa đến 2 tỷ đồng. Kiên trì 3 năm nghiên cứu sản phẩm, lấy ngắn nuôi dài bằng nhiều dự án về công nghệ khác. Sau đó là những tháng ngày làm, hỏng, sửa, thử lại..., cứ miệt mài như vậy để đến hôm nay, sau 7 năm thành lập, Lumi Việt Nam đã trở thành thương hiệu được khách hàng yêu mến.

Nhìn vào quy mô và tầm vóc hiện nay của Lumi Việt Nam với 135 đại lý trên toàn quốc, hiện diện tại tất cả các tỉnh; sản phẩm được bảo hành 24 tháng, là công ty duy nhất trong lĩnh vực này đạt chứng chỉ CE (châu Âu) và chứng chỉ UL (chứng chỉ bo mạch phần cứng đạt chuẩn quốc tế, cho phép xuất khẩu tới 104 quốc gia trên thế giới), doanh thu cả trăm tỷ đồng/ năm, quả thật, điều này là không dễ tin cả với những người mộng mơ nhất.

"Tôi khởi nghiệp là do sự thúc bách từ cuộc sống. Khởi nghiệp vì ngày đó làm thuê khổ quá. Bây giờ lại thấy vất vả hơn xưa vì càng làm nhiều việc. Có điều giờ làm được những thứ mình thích, mình đam mê, nên luôn có cảm giác rất tự do" - Nguyễn Đức Tài chia sẻ.

Hiện tại, Lumi Việt Nam đang cung cấp đầy đủ các giải pháp cho ngôi nhà thông minh, từ hệ thống chiếu sáng, điều khiển rèm tự động, hệ thống điều hòa tivi, bật/ tắt bình nóng lạnh, an ninh chống trộm, âm thanh đa vùng, kiểm soát môi trường (đèn Led 16 triệu màu thay đổi theo ý muốn)... Đây đều là các giải pháp mang tính thực tiễn và rất cần thiết cho ngôi nhà hiện đại.

Tận hưởng cuộc sống tiện nghi với Nhà thông minh Lumi

 

Bán thứ khách hàng "cần"

Cuối năm ngoái, khi gặp Đức Tài, anh từng chia sẻ, không chỉ cung cấp giải pháp cho khách hàng trong nước, hiện Lumi Việt Nam còn xuất khẩu sang các quốc gia như: Thái Lan, Úc, Brazil. Dự kiến, năm 2018, các ản phẩm của Lumi Việt Nam sẽ được xuất khẩu thêm sang các thị trường như: Malaysia, Indonesia.

Nếu năm 2017, tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm 1/2 thị trường trong nước thì trong năm 2018, đơn vị này dự kiến sẽ tăng tỷ trọng xuất khẩu lên bằng hoặc cao hơn nội địa.

Và lần này, tôi gặp lại anh khi Lumi Việt Nam vừa ký kết hợp đồng cung cấp giải pháp, thiết bị cho một đối tác Ấn Độ, trị giá 16 triệu USD, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu như mục tiêu đã đề ra trước đó.

Hệ sinh thái smarthome của Lumi Việt Nam

Dù coi trọng thị trường nội địa và dần khẳng định được thương hiệu, nhưng có lẽ, cú hích lớn với công ty lại đến từ những hợp đồng lớn với đối tác nước ngoài, mà khách hàng Ấn Độ kể trên là ví dụ. Theo đó, sau khi tìm hiểu về sản phẩm, giải pháp của Lumi Việt Nam, đối tác Ấn Độ đã tìm đến và đề xuất hợp tác.

"Sau nhiều lần trao đổi, làm việc để có thể đi đến một bản hợp đồng, đối tác Ấn Độ tỏ ra hài lòng với cách mà chúng tôi tiếp cận và giải quyết các vấn đề. Lumi Việt Nam đã có nhiều sự điều chỉnh để các sản phẩm, giải pháp không chỉ tối ưu về công nghệ, chất lượng, phù hợp về giá thành, mà cả với hạ tầng, thiết kế, trải nghiệm người dùng, thậm chí là các yêu cầu về chứng chỉ của quốc gia sở tại" - Đức Tài chia sẻ.

Thực tế, các giải pháp cho ngôi nhà thông minh vốn đòi hỏi nhiều sự điều chỉnh, tùy biến, yêu cầu cao về sự tương thích với hạ tầng, thói quen sử dụng. Và điều vị CEO trẻ, cũng như doanh nghiệp của mình chinh phục được khách hàng chính là bán thứ họ cần, thay vì bán thứ doanh nghiệp có.

" Với Lumi Việt Nam, tôi được thực hiện đúng ước mơ, niềm đam mê của mình. Có cơ hội để thử thách bản thân và khả năng xoay sở trong công việc, không chỉ ở việc phát triển các giải pháp, sản phẩm mới, mà cả ở quản trị doanh nghiệp, tài chính và làm thương hiệu", vị CEO trẻ nhấn mạnh.

Luôn duy tri mức tăng doanh số từ 2 - 3 lần so với năm trước, nhưng những năm gần đây, Lumi Việt Nam đang dần khẳng định thương hiệu và có những kế hoạch dài hạn hơn trong tương lai.

" Chúng tôi dành 30% lợi nhuận hàng năm cho công tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới. Mục tiêu là nâng cấp các giải pháp, sản phẩm đã có và cho ra đời nhiều hơn những ứng dụng, sản phẩm mới - Đức Tài chia sẻ.

Nhìn vào cách tổ chức bộ máy, dù là doanh nghiệp trẻ, nhưng Lumi Việt Nam đã được thiết kế để sẵn sàng cho sự lớn mạnh nhanh chóng trong thời gian tới.

Hiện, Công ty có đầy đủ các bộ phận, phòng ban như: Phòng ý tưởng, phòng phát triển sản phẩm, sản xuất, phân tích thị trường, truyền thông, phát triển đại lý... Đây chính là bước chuẩn bị để Lumi trở thành công ty số 1 trong lĩnh vực nhà thông minh như mục tiêu mà vị CEO trẻ chia sẻ.

Đánh giá cao yếu tố con người, theo Đức Tài, để một doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp công nghệ nói riêng phát triển, cần phải có được những nhân sự tốt. Với Lumi Việt Nam, nhân sự chính là yếu tổ quan trọng để mang đến thành công. Và để giữ chân, thu hút người tài, các vấn đề như thu nhập, môi trường làm việc luôn được coi trọng.

" Làm dự án, phát triển sản phẩm không tránh khỏi những quan điểm, góc nhìn khác nhau, ở Lumi Việt Nam, chúng tôi không có sự áp đặt mà tất cả cùng tranh luận để tìm được giải pháp tốt nhất, tìm được tiếng nói chung cho các vấn đề. Công tác đào tạo nhân sự cũng được chú trọng để Lumi Việt Nam có được đội ngũ nhân sự, đặc biệt là các kỹ sư có trình độ tốt" - Tài chia sẻ.

 

"2 năm, 19 người, 1 sản phẩm"

Giải pháp nhà thông minh là lĩnh vực vẫn đang tiến hóa và sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, theo CEO của Lumi Việt Nam, đơn vị này xác định phải dành 3 năm để làm công tác giáo dục thị trường và hiện tại mới đang ở năm đầu của chặng đường này.

Trong câu chuyện với Đầu tư Chứng khoán, vị CEO chia sẻ hai số liệu thú vị: Theo khảo sát của doanh nghiệp, chỉ có 10 - 12% khách hàng mục tiêu biết đến smarthome, trên 80% chưa thực sự quan tâm; Hà Nội. TP.HCM chiếm đến 60% tổng doanh thu số nội địa.

Thực tế này phản ánh khá rõ bức tranh, triển vọng của lĩnh vực còn mới mẻ này. Đó là có dư địa tăng trưởng lớn, nhưng rào cản khó khăn nhất là mức độ phổ biến chưa rộng.

Cũng khác với các sản phẩm cơ bản, với giải pháp nhà thông minh, đặc biệt với việc triển khai các giải pháp 100% do doanh nghiệp tự sáng tạo đòi hỏi quá trình nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm một cách công phu.

Đơn cử là sản phẩm loa thông minh Milo, sản phẩm đầu tiên do doanh nghiệp Việt sản xuất có chế độ điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt.

Trở thành giọng nói quyền năng với thiết bị loa Milo

Để có thể cho ra đời Milo, 15 kỹ sư, 4 chuyên gia (là các giáo sư, tiến sĩ của Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện Công nghệ thông tin) đã phải mất 2 năm hoàn thiện.

Quãng thời gian đó là rất nhiều các cuộc thử nghiệm với khoảng cách xa, gần khác nhau; giọng nói theo vùng miền, địa phương khác nhau.

Sản phẩm mới đây được giới thiệu tại triển lãm Điện tử Tiêu dùng 2018 (Las Vegas, Mỹ), được các chuyên gia công nghệ và tạp chí danh tiếng thế giới bình chọn vào Top 10 sản phẩm tiêu biểu nhất tại triển lãm. Một lần nữa, sản phẩm Made n Vietnam chưa kịp ra mắt tại nước nhà đã tạo được ấn tượng tại châu Mỹ.

Milo được kết nối trực tiếp với trợ lý ảo Google Assistant, có thể giải đáp mọi thông tin, cung cấp các chương trình giải trí ngay lập tức.

Ngoài ra, loa Milo được xem là một công tắc điện di động thông minh, giúp điều khiển mọi thiết bị điện trong gia đình ở bất cứ đâu chỉ với một câu lệnh hoặc nút ấn. Không chỉ gây tiếng vang lớn, với việc được ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al), Milo còn có khả năng học tập để "thông minh" hơn mỗi ngày. Cụ thể, Milo sẽ cập nhật thói quen người dùng từ đó có những sự điều chỉnh. Hiện, sản phẩm đang được hoàn thiện và sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới.

CEO Nguyễn Đức Tài bật mí, không chỉ là trợ thủ đắc lực trong việc vận hành ngôi nhà thông minh, Lumi Việt Nam còn đang phát triển để Milo có thể tương tác với người dùng, tiến tới trở thành một bách khoa toàn thư, có thể giải đáp về kiến thức và các vấn đề trong cuộc sống.

                   

                                                                                                                                                                                                                                 Nguồn: Đầu tư chứng khoán

 

7/10 337 bài đánh giá
0394.799.888